Nữ KTS Nguyễn Hà (44 tuổi), người nổi tiếng với những công trình mang màu sắc tâm linh đặc biệt là Bảo tàng Đạo Mẫu cho nghệ sĩ Xuân Hinh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào đề cử giải thưởng Kiến trúc sư trẻ tuổi nhất thế giới Moira Gemmill Prize. Đây là một hạng mục quan trọng trong Giải thưởng W năm 2024, được phối hợp tổ chức bởi The Architectural Review và Architects’ Journal (Anh). Buổi trao giải diễn ra ngày 7/3/2024.
Tên công trình: Bảo tàng Đạo mẫu
Địa chỉ: Hà Nội
Diện tích xây dựng (m2): 5.500m2
KTS chủ trì: Nguyễn Hà , Phạm Minh Hiếu
Đơn vị thiết kế: Arb Architects
Năm hoàn thành: 2023
Nhiếp ảnh: Triệu Chiến
Giải thưởng Moira Gemmill cho Kiến trúc Triển vọng vinh danh những KTS trẻ dưới 45 tuổi với hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực kiến trúc cả ở hiện tại và triển vọng cho sự nghiệp thông qua tầm nhìn về tương lai. Top 4 đề cử Giải thưởng Moira Gemmill năm 2024 gồm: Kim Courrèges (Pháp), Joana Dabaj (Lebanon), Nguyễn Hà (Việt Nam) và Noelia Monteiro (Brazil).
Những công trình của nữ KTS Nguyễn Hà đậm màu sắc tâm linh với cách sử dụng hình khối linh hoạt, giàu tính kết nối. Cô là KTS chính thiết kế Bảo tàng Đạo Mẫu cho nghệ sĩ Xuân Hinh ấn tượng với cách xếp thủ công 3 tòa tháp Đạo Mẫu từ 5 triệu viên ngói cổ và 1 triệu viên gạch thất cổ mua từ 500 nhà dân trên khắp cả nước.
Tọa lạc tại Hiền Ninh, Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, Bảo tàng Đạo Mẫu nằm ẩn mình dưới khu vườn vải thiều có tuổi đời hơn 50 năm.
Để đến Bảo tàng, du khách phải đi qua con đường nhỏ với 3 tòa tháp được gia chủ - nghệ sĩ Xuân Hinh và KTS lên ý tưởng từ hàng triệu viên ngói cổ và gạch thất cổ được xếp thủ công. Theo chia sẻ của nữ KTS, ban đầu nghệ sĩ Xuân Hinh mong muốn con đường này rộng hơn để đi thẳng vào Nhà gỗ, nơi trưng bày và bảo tồn những hình ảnh, tư liệu về Đạo Mẫu nhưng cô không đồng ý vì muốn giữ được sự tĩnh tại, yên bình khi khám phá và hiểu về một trong những tín ngưỡng văn hoá đặc sắc của dân tộc.
Bảo tàng Đạo Mẫu là một trong hai dự án duy nhất được nữ KTS Nguyễn Hà thiết kế, cùng với ARB Architects văn phòng kiến trúc mà cô thành lập năm 2009 có trụ sở tại Hà Nội đã đưa vào sử dụng.
Bảo tàng là giấc mơ cả đời đối với khách hàng - nghệ sĩ Xuân Hinh, đồng thời cũng trực tiếp nói lên văn hoá vùng đất và bản địa. Đạo Mẫu là tín ngưỡng, văn hoá tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam, được gìn giữ và phát triển từ bao đời.
Nằm trong khuôn viên hơn 5000m2 bao quanh là vườn vải thiều cổ, cuối khu đất là một cái ao, nữ KTS cùng cộng sự tại ARB Architects đã lên thiết kế nâng cao tính tuyến tính của quy hoạch bằng cách dàn dựng cẩn thận một hành trình đưa du khách rời khỏi thế giới trần tục để bước vào một không gian thiêng linh từ.
Cô và cộng sự Phạm Minh Hiếu đã bị quyến rũ bởi sự mộc mạc, yên bình của khu vườn vải cổ nên lấy làm thực vật làm điểm xuất phát. Cô chia sẻ sự ưu tiên việc xây dựng ý tưởng hơn tính thẩm mỹ hoàn thiện: “Cảm giác và cách diễn giải về địa điểm quan trọng hơn hình thức kiến trúc. Vật liệu chỉ có ở cuối quá trình”.
Gạch là chất liệu chính để làm nên công trình. Không chỉ là vật liệu quen thuộc, nữ KTS và cả gia chủ đều mong muốn có thể lưu giữ lại được dấu vết của những lò gạch cũ bị bỏ quên. Đây cũng là ngôn ngữ truyền tải chân thật nhất, Việt Nam nhất khi xây dựng một công trình mang đậm yếu tố tâm linh.
KTS đã khéo léo kết hợp chất liệu mộc mạc của những viên gạch ngói đã qua sử dụng với cách giải thích về địa điểm của riêng mình. Tất cả cây hiện có đều được giữ lại và xây thêm một bức tường dài dọc theo rìa phía Bắc khu đất. Lối đi hẹp cũng sẽ thích hợp hơn so với ý tưởng ban đầu của nghệ sĩ Xuân Hinh bởi nó phản ứng mật thiết với con người và tạo ra cảm giác chuyển tiếp khi du khách di chuyển dọc theo bức tường, tay chạm vào bề mặt của những viên gạch cũ.
Dọc theo con đường đi bộ, nhìn qua khe hở hẹp trong toà tháp hoành tráng sẽ thấy thấp thoáng tán vải thiều, cho đến khi tầm nhìn được mở rộng ra cả một vườn vải rộng mênh mông ở cuối con đường.
“Đó là kiến trúc của sự cô độc. Hầu hết thời gian chúng ta bị vùi trong những cuộc đấu tranh hàng ngày và kiến trúc giúp chúng ta kết nối lại với sự thanh thản bên trong bản ngã, để mơ ước và khát khao những điều lớn lao hơn”, cô chia sẻ về dự án sau khi hoàn thành. Con đường đóng vai trò là ngưỡng cửa giữa những trải nghiệm thế tục của thế giới bên ngoài và không gian linh thiêng bên trong từ đường Đạo Mẫu.
“Bức tường gạch cũng gợi ý đến mái dốc nổi bật của những ngôi chùa miền Bắc Việt Nam. Những mái ngói nặng trĩu của công trình kiến trúc hàng thế kỉ này kéo dài rất thấp, nhìn tưởng như sắp vào sàn nhà. Nhìn từ xa, những mái nhà sát mặt đất đến nỗi chúng ta tưởng như là bức tường”.
Rải rác theo các cạnh của lô đất là những khối nhà nhỏ hơn được lợp bằng ngói. Đây là nơi chứa đựng không gian riêng tư của khách hàng. Đi theo con đường lát đá sẽ đến bảo tàng.
Khoảng sân trồng cây đóng vai trò như lá chắn bảo vệ. Bức tường cũ bên ngoài của ngôi nhà được sơn màu cam gỉ. Ánh sáng mờ ảo được lọc qua tán cây rồi phân tán theo chiều ngang vào hội trường, bảo tàng và đền thờ, mang lại sức sống cho những bức tượng mạ vàng và khảm xà cừ.
Sảnh chính nhộn nhịp hơn vào những dịp đặc biệt như hát chầu văn. Các tấm bức bàn tạo thêm nhịp điệu và chiều sâu không gian ở trung tâm dự án, trong khi mái bê tông kéo dài về phía ao, tạo khung cho không gian mở rộng rãi nhìn ra bên ngoài.
“Chúng ta đang trải qua một sự rạn nứt giữa cách sống truyền thống và hiện đại”, KTS chia sẻ. Thế hệ trẻ hiện nay có thể dễ dàng bày tỏ sự mâu thuẫn hoặc thậm chí sợ hãi đối với các tôn giáo dân gian địa phương nhưng họ cũng tò mò về quá khứ, lịch sử quê hương mình.
Sàn bê tông được đánh bóng liên tục, các khe hở bên trên cho phép khán giả lựa chọn chỗ ngồi để tham gia buổi hát chầu văn trong hội trường hoặc ở một khoảng cách thoải mái, theo dõi các hoạt động từ sân.
Bảo tàng Đạo mẫu hiện đang hoàn thiện hai tòa tháp trong tổng số 5 tòa tháp theo như dự kiến ban đầu. Trong quá trình làm việc không ít khó khăn, đặc biệt quá trình lợp tháp, phải tính toán xếp chồng các viên ngói sao cho khớp, tạo thành một khối vững chãi. Các thợ chủ yếu từ địa phương khi thực hiện các kỹ thuật này đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm cao. Vì vậy đây cũng là một trong bài toán khó khi thực hiện công trình.
Hiện tại, KTS Nguyễn Hà đang thực hiện một dự án khác tại Mang Thít, nơi được biết đến là “thủ phủ của những lò gạch”. Cô cùng cộng sự đang xây dựng một đề xuất dài hạn để bảo tồn các lò gạch cũ. Tham vọng của cô là phô bày hết những vẻ đẹp của vùng đất để người dân địa phương cũng như du khách có thể kết nối lại với lịch sử và ý nghĩa văn hoá. Để chứng tỏ những cảnh quan từng bị lãng quên lại có chiều sâu và linh thiêng đến thế.
Biên dịch: Hương Vũ